Đường thốt nốt – hương vị của ký ức và bản sắc Khmer

Nghề nấu đường thốt nốt không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là nét văn hóa sống động của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Giữa nắng gió miền biên viễn, từng giọt mật ngọt từ bông thốt nốt vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ, tạo nên một đặc sản nức tiếng, góp phần đưa thương hiệu địa phương vươn xa ra thế giới.
Từ bao đời nay, người Khmer ở vùng Bảy Núi (An Giang) vẫn lưu truyền một nghề thủ công đặc biệt – nghề nấu đường thốt nốt. Không chỉ là nghề truyền thống, đây còn là biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây. Giữa cái nắng cháy và làn gió khô hanh của miền Tây Nam Bộ, cây thốt nốt không chỉ trụ vững mà còn kết tinh những giọt ngọt ngào – thứ mật quý của trời đất dành riêng cho vùng đất này.
Tại thị xã Tịnh Biên, dọc tuyến đường Tỉnh lộ 955 dẫn vào trung tâm phường An Phú, không khó để bắt gặp những điểm bán đường thốt nốt – thứ đặc sản dẻo thơm, óng vàng do chính tay bà con Khmer làm ra. Nổi bật trong số đó là khóm Sóc Tà Ngáo, nơi có nhiều hộ dân vẫn bền bỉ duy trì nghề nấu đường. Mỗi năm, từ tháng 11 âm lịch đến tháng 5 năm sau, bà con lại bước vào mùa thu hoạch – mùa gắn liền với khói bếp, mùi mật ngọt và tiếng chuyện trò rôm rả quanh những lò đường đỏ lửa.
Ông Châu Nhen, người đã có hơn 25 năm gắn bó với nghề, chia sẻ: “Gia đình tôi có 10 cây thốt nốt, thuê thêm 6 cây nữa, mỗi ngày lấy được hơn 30 lít nước, nấu ra khoảng 6kg đường. Nghề này tuy cực – phải trèo cây, phải dậy từ sáng sớm – nhưng cho thu nhập ổn định. Mỗi kg đường bán 50.000 đồng, mỗi tháng có thể kiếm được khoảng 8 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống”.
Không riêng gì gia đình ông Nhen, câu chuyện của chị Néang Sô Pha, ấp Ninh Hòa, xã An Tức cũng là lát cắt điển hình cho nhịp sống gắn bó với cây thốt nốt. Mỗi sáng, chồng chị trèo lên cây lấy nước, chị nấu ngay tại nhà. “Hiện vào mùa thu hoạch, nhiều bà con trong phum sóc đến mua đường, các mối lái cũng thường xuyên hỏi hàng. Có khi nước dư, tôi bán lít nước giải khát với giá 10.000 đồng, nhưng lượng ít, chỉ đủ bán quanh xóm thôi”, chị Sô Pha kể.
Để thu được thứ nước ngọt tinh khiết từ bông thốt nốt, người dân phải có kỹ thuật riêng: vài ngày trước khi thu hoạch, họ dùng kẹp tre để kẹp vào hoa, tạo áp lực tiết nhựa. Sau đó là hàng loạt công đoạn công phu: chụm lửa vừa, đảo liên tục, giữ nhiệt độ đúng chuẩn... Mỗi mẻ đường là kết tinh của kinh nghiệm, sự khéo léo và cả tình yêu với nghề.
Hành trình của nghề nấu đường thốt nốt nay đã vượt khỏi biên giới địa phương. Không còn chỉ hiện diện ở chợ quê hay điểm du lịch, đường thốt nốt An Giang đã có thương hiệu riêng, được cấp chứng nhận OCOP và xuất khẩu chính ngạch sang châu Âu. Những thỏi đường thốt nốt in đậm màu nắng gió giờ đây trở thành đại diện cho tinh thần lao động và bản sắc của người Khmer nơi vùng biên giới phía Tây Nam.
Chị Chau Ngọc Diệu – Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania, đồng thời là nghệ nhân nấu đường lâu năm tại thị trấn Tri Tôn – xúc động khi chia sẻ: “Giờ đây, nghề nấu đường thốt nốt của đồng bào Khmer đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau nhiều thăng trầm, đó là niềm tự hào lớn, thôi thúc chúng tôi tiếp tục gìn giữ và phát triển đặc sản này”.
Những nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống cũng đang được chính quyền địa phương thúc đẩy. Ông Trần Minh Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn – cho biết: “Cây thốt nốt hiện là nguyên liệu chính cho nhiều sản phẩm OCOP của huyện. Chúng tôi đã tổ chức các sự kiện văn hóa, phát triển mô hình du lịch trải nghiệm. Du khách có thể đến tận nơi xem quy trình nấu đường, uống nước thốt nốt tươi và mua đặc sản làm quà. Qua đó, vừa giữ gìn di sản, vừa khai thác hiệu quả giá trị kinh tế, văn hóa của nghề”.
Hơn cả một nghề mưu sinh, nấu đường thốt nốt là một “di sản sống” – kết nối quá khứ với hiện tại, gắn bó cộng đồng với thiên nhiên, hòa quyện giữa bàn tay con người với hương trời nắng gió. Trong từng thỏi đường óng ánh ấy, là vị ngọt của đất, là giọt mồ hôi, là cả một nếp sống phum sóc đang hồi sinh trong nhịp chuyển mình của An Giang hôm nay.